Tháng 10/2020, trừ XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc giảm, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (+39%), Trung Quốc (+21,5%), EU (+42%), Anh (+45%), Canada (+14%), Australia (+57%). XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 10/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Các thị trường NK chính của tôm Việt Nam đồng loạt tăng NK để phục vụ các lễ hội cuối năm.
10 tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 72,2% tổng XK tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 15,7%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị XK tôm chân trắng tăng 16% trong khi XK tôm sú giảm 14%. XK tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 26% và 8%. XK tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 39% trong khi XK tôm sú tươi/đông lạnh (HS03) giảm 19%.
Mỹ: Mỹ là thị trường dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 10/2020 tăng trưởng tốt 39% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 733,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Mỹ là tâm dịch Covid-19 của thế giới, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 10 tháng đầu năm nay. Mỹ được coi là thị trường NK tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Mặc dù nhu cầu giảm ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhưng nhu cầu NK tôm nói chung của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
Theo số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), 9 tháng đầu năm nay, Mỹ NK 535.165 tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, tăng 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường Mỹ, trong 9 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Ấn Độ-nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, từ đầu năm tới nay, vẫn gặp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thời tiết không thuận lợi.
Tháng 9 năm nay, Mỹ tiếp tục giảm NK tôm từ Ấn Độ, lần lượt giảm 10% về khối lượng và giảm 8% về giá trị so với tháng 9/2019. NK tôm vào Mỹ từ Thái Lan chỉ tăng nhẹ trong khi NK tôm vào Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh 64% về khối lượng và giảm 74% về giá trị. Tháng 9 năm nay, Mỹ tăng mạnh NK tôm từ các nguồn cung như Ecuador, Indonesia, Việt Nam, Argentina…
EU: EU là thị trường NK tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 14% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý III năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Tháng 10/2020, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 436,7 triệu USD, tăng 6,7%.
Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 thị trường NK tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU. Tháng 10 năm nay, XK tôm Việt Nam sang 3 thị trường Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng trưởng dương 2 con số, lần lượt 32%, 53% và 48% so với tháng 10/2019.
Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều DN tập trung XK trong những tháng cuối năm.
Cùng với hiệu ứng tích cực và những ưu đãi thuế đối với tôm đông lạnh từ Hiệp định EVFTA, XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.
Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.
Nguồn: copy