Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhập khẩu thủy sản của EU hàng năm hơn 22 tỷ USD, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 1,2-1,4 tỷ USD/năm (các mặt hàng thủy hải sản khai thác chiếm 30%-37% với trị giá 380-480 triệu USD/năm), chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.
Từ khi bị EC phạt thẻ vàng (hơn 3 năm trước), VASEP khởi động chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của 62 nhà máy, doanh nghiệp. Nhiều hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền cũng gấp rút triển khai tại các địa phương để mong tháo gỡ nhanh thẻ vàng. Tuy nhiên, các số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU thấp nhất trong 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chỉ đạt 0,4%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU giảm bình quân 8,6%/năm.
Năm 2020 chịu tác động thêm từ dịch Covid-19, nên dù có hồi phục nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo giảm tới 20% so với năm ngoái.
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua đạt 692 triệu USD, dự báo xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,037 tỷ USD (giảm 20%), trong đó, mặt hàng cá tra đạt hơn 175 triệu USD (giảm 26%); tôm đạt hơn 527 triệu USD (giảm 24%); cá ngừ đạt hơn 131 triệu USD (giảm 6%)…
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết, trong 3 năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm vì tác động của thẻ vàng IUU, như năm 2018 giảm 6%, năm 2019 giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13%; tuy nhiên, EU vẫn là thị trường trọng điểm.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Năm 2020, Bộ NN-PTNT đã có 2 cuộc họp trực tuyến với EC để giải trình về chống khai thác IUU. EC cũng đánh giá chúng ta có nhiều nỗ lực hơn và đang triển khai rất đúng. Qua 3 năm triển khai khắc phục IUU, có trên 31.000 tàu cá (chiếm 82%) được gắn thiết bị giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc… Số tàu còn lại chưa lắp đặt định vị là do điều kiện kinh tế khó khăn và đang được cơ quan chức năng tuyên truyền”.
Đây cũng là cản ngại lớn hiện nay. Nhiều ngư dân mong muốn được hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị giám sát hành trình nhưng hiện vẫn chưa tìm được nguồn vốn hỗ trợ. Chưa kể, nhiều tàu cá sau khi đầu tư lắp đặt thiết bị theo quy định IUU đã bị tăng áp lực chi phí vận hành, nên ngư dân rất do dự trong việc lắp đặt định vị.
Nhân tố quyết định IUU là doanh nghiệp
Trên góc độ quản lý địa phương, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, phân tích, thẻ vàng IUU ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhưng đồng thời doanh nghiệp đang hưởng thụ cũng bị ảnh hưởng tác động do tăng chi phí xuất khẩu. Để khắc phục thẻ vàng IUU, VASEP nên phối hợp cơ quan quản lý địa phương tập trung vào công tác truyền thông, đối thoại, tập huấn với ngư dân… Có chính sách hỗ trợ ngư dân gắn định vị và ràng buộc bằng các hợp đồng cam kết thu mua. Đặc biệt, nhân tố quyết định cho ngư dân không vi phạm IUU chính là doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Thải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, đề xuất: Tất cả doanh nghiệp cần cam kết không thu mua hoặc thu mua hải sản với giá rẻ hơn so với thị trường, nhằm ràng buộc ngư dân thực hiện các quy định của IUU.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng phân tích, Thái Lan đang áp dụng mức phạt đến 1 triệu USD nếu tàu cá tắt định vị khi hoạt động. Ta cũng nên nghiên cứu tăng mức xử phạt như Thái Lan, nhằm triệt để ngăn chặn nạn khai thác bất hợp pháp. Qua kiểm tra, đoàn công tác của tổng cục nhận thấy, nhiều địa phương chấp hành rất nghiêm túc, nhờ công tác tuyên truyền. Cũng cần lưu ý việc khắc phục thẻ vàng IUU phải được thực hiện xuyên suốt, liên tục, chứ không phải sau khi EC rút thẻ vàng IUU lại buông lỏng. Bởi chỉ cần 1 tàu cá vi phạm là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các tàu còn lại, và EC sẽ tiếp tục phạt thẻ vàng.
Nguồn: copy