Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam bộ, với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có khoảng 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ; đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá và 3 khu neo đậu tránh trú bão an toàn.
Trước năm 2019, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn nằm trong “tốp đầu” những địa phương có lượng tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Trước những hệ lụy của “thẻ vàng” thủy sản, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh và ngành NN-PTNT đã vào cuộc và tích cực triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chạy đua góp phần gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. Do vậy, tình trạng này đã giảm đáng kể trong năm qua.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau gần 3 năm kể từ khi Ủy ban Châu âu (EC) đưa ra khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy, hải sản Việt Nam, lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển đóng trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Qua đó, đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), giúp nâng cao ý thức của ngư dân trong khai thác đánh bắt hải sản.
Đặc biệt, huyện Long Điền từng là “điểm nóng” về tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài, nhưng từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho ngư dân về các khuyến nghị của EC nên tình trạng vi phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Yếu tố then chốt để ngăn chặn đánh bắt trái phép là Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với ngành NN-PTNT đã quyết tâm thực hiện triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên toàn địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Trước khi ra khơi, các tàu cá đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản, khi rời cảng, các trạm, đồn biên phòng sẽ tiếp tục kiểm tra xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, đội phản ứng nhanh sẽ gặp trực tiếp yêu cầu chủ tàu bắt buộc phải điện thoại “lệnh” cho thuyền trưởng phải bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Cường, đến nay đã có 2.334/2.912 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, vẫn còn 453 tàu có chiều dài từ 15m đến trên 24m chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân chủ yếu đây là những tàu hành nghề lưới vây cá cơm, cá trích…thuộc nghề truyền thống và hoạt động ven bờ.
Về kết quả Đoàn kiểm tra IUU trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vụng Tàu, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế cho biết: Cùng với tỉnh Kiên Giang thì Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đã được Đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) rất quan tâm và có 2 lần đến kiểm tra trực tiếp.
Qua kiểm tra thực tế về công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm 2020 đã khắc phục được những lỗ hổng rất lớn trong công tác chứng nhận năm 2019. Đồng thời, toàn bộ các văn bản chỉ đạo của địa phương cũng khá đầy đủ.
CẦN KHẮC PHỤC LỖ HỔNG QUẢN LÝ
Theo đoàn kiểm tra IUU, về công tác xử lý vi phạm hành chính, từ đầu năm đến nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành xử phạt với số tiền 1.745 triệu đồng. Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại hạn chế liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính thì EC sẽ rất quan tâm.
Đáng lưu ý khi trong hồ sơ liên quan đến giấy phép khai thác xác nhận, ở biên bản kiểm tra của cảng cá Hưng Thái có sự tẩy xóa “khá hệ thống”. Cần phải xem xét lại, vì nó sẽ tạo ra những nghi ngờ không đáng có nếu EC kiểm tra. Đồng thời, quy định của EC yêu cầu gửi các biên bản liên quan đến các tàu cá ra vào cảng và việc khai báo nhật ký cần phải rõ ràng chính xác.
Tuy nhiên, khi kiểm tra tại đây, đoàn còn thấy không có hồ sơ khai báo trước 1 giờ đối với lô xác nhận thủy sản. Theo quy định, trước 20 hàng tháng phải nộp nhật ký, nhưng khi kiểm tra hồ sơ gốc tại cảng cá này thì vẫn còn đang giữ nhật ký.
Hơn nữa, qua kiểm tra thực tế cho thấy chưa có vai trò của lực lượng biên phòng trong hồ sơ cảng cá. Liên quan đến một hồ sơ xác nhận chứng nhận cho thấy cùng một lúc một thuyền trưởng cùng lái 2 con tàu khai thác và tàu thu mua là không hợp lý. Việc tẩy xóa dữ liệu tại cảng vẫn còn xảy ra, số liệu ghi không chuẩn. Do vậy, Đoàn kiểm tra IUU, đề nghị trong thời gian tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần bố trí nguồn lực quản lý cảng cá và sự phối hợp của lực lượng biên phòng sẽ giúp việc kiểm soát tàu ra vào cảng đạt hiệu quả.
Để nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” thì ngư dân cần tuân thủ tốt các quy định IUU.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục Thủy sản cho rằng, liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác rất quan trọng vì khi tàu không được đăng kiểm khi ra biển sẽ không đảm bảo an toàn và nếu bị chìm tàu thì không có cơ sở để xem xét bồi thường thiệt hại. Do vậy, đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần phải rà soát lại toàn bộ việc này vì EC cũng sẽ phạt rất nặng ngang với tàu vi phạm khai thác trái phép.
Về việc đánh bắt thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến chính sách lắp đặt và quản lý máy giám sát hành trình trên biển nhằm đảm bảo công bằng cho ngư dân. Thực tế, bà con ngư dân địa phương thời gian qua đã kiến nghị rất nhiều đến quyền lợi đánh bắt thủy hải sản và tỉnh đang xem xét cụ thể. Đồng thời, địa phương cũng đang chờ chính sách đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương để xây dựng nơi tránh trú bão cho tàu thuyền.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thay mặt Bộ NN-PTNT đánh giá cao việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm 2020 đã đạt được những thành tích cao; tỉnh đang có nhiều lợi thế về cả vùng nguyên liệu, chế biến và logistics. Đặc biệt về IUU của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhưng cần cố gắng duy trì và tạo chuyển biến hơn nữa trong thời gian tới…
Theo Thứ trưởng Tiến, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có tiến bộ gắn thiết bị giám sát hành trình cao hơn trung bình cả nước đạt 85% (trong khi trung bình cả nước đạt 82%).
Tuy nhiên, cần phải tăng cường khâu quản lý và giám định xử lý, nếu còn để tàu cá vi phạm thì sẽ rất khó gỡ “thẻ vàng”. Việc xử lý tàu thuyền vi phạm thuộc về trách nhiệm của Bộ quốc phòng cho nên nếu còn vướng mắc gì thì phải có sự thống nhất cao giữa hai Bộ để cùng tháo gỡ. Thời gian tới Chính phủ sẽ thống nhất rõ về trách nhiệm lực lượng kiểm ngư của Bộ NN-PTNT và kiểm ngư Bộ Quốc phòng.
Nguồn: copy